Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm…
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản số 13234/BTC-VP gửi các đơn vị trong ngành về việc triển khai công điện số 1163/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với tình hình thực tiễn, chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước nghiên cứu, tham mưu các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, tham mưu, dự thảo công văn gửi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.
Đối với các tổ chức tín dụng thời gian qua có hoạt động mối giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp cần có biện pháp cương quyết chấn chỉnh và có trách nhiệm với nhà đầu tư, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Bộ Tài chính cũng giao Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp tục tổ chức làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn cũng như doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu sắp đáp hạn lớn, cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động thanh toán cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tổ chức làm việc, yêu cầu các công ty chứng chứng khoán rà soát toàn diện hoạt động kinh doanh môi giới phân tích, bảo lãnh tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có nguy cơ ảnh hưởng tới chỉ tiêu an toàn tài chính của công ty và tính ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương báo cáo kết quả, nhất các công ty có hình thức cam kết như bảo lãnh, mua lại trái phiếu… để giải quyết các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư