Nhiều nghề ở đất Khánh Hòa được coi là “nghề cổ” như dệt chiếu, đúc đồng, nặn gốm… lại nhộn nhịp dịp cuối năm.
Nhiều nghề ở đất Khánh Hòa được coi là “nghề cổ” như dệt chiếu, đúc đồng, nặn gốm… lại nhộn nhịp dịp cuối năm.
Nhộn nhịp cuối năm
Nằm bên bờ sông Cái, làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 (Diên Khánh, Khánh Hòa) đã có lịch sử hàng trăm năm. Trước đây, làng nghề nhộn nhịp quanh năm nhưng thời gian gần đây nhộn nhịp chủ yếu vào tháng cuối năm.
Nghệ nhân Trần Quốc Nhật chia sẻ, các thế hệ nghệ nhân trước đây làm các sản phẩm đồ đồng độc đáo, chủ yếu là bàn thờ. Ít nơi nào có các sản phẩm bằng đồng như: lư hương, chân đèn, lục bình, đài phun nước… đẹp như Phú Lộc Tây 1. Nhưng hiện nay, thợ giỏi ngày càng ít. Nhiều bạn trẻ ít mặn mà với “nghề cũ” này. Để giữ được “đặc sản” của làng nghề, những nghệ nhân già miệt mài
Cuối năm hay đầu xuân cũng là lúc những nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 phô diễn kỹ thuật tinh xảo của mình với khách trong nước và quốc tế. Có những đoàn khách đến làng ngày Tết ăn cơm cùng người dân, cùng nghệ nhân khám phá nghề đúc đồng, mua sản phẩm theo ý thích của mình.
Làng đúc đồng Phú Lộc Tây tất bật những ngày cuối năm
Để nghề không bị mai một, vừa nỗ lực giữ nghề, các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 đã tích cực liên kết với nhiều công ty lữ hành, du lịch để đưa khách về tham quan làng nghề.
Cũng như làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1, làng dệt chiếu Ngọc Hiệp (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng được xem là làng nghề “lâu đời” độc đáo của Khánh Hòa.
Không chỉ dệt trong làng, một số thợ thủ công còn ra Làng nghề Trường Sơn (vùng nghề truyền thống tập trung ở Nha Trang) để hàng ngày cần mẫn dệt.
Nhiều thợ dệt chiếu vẫn miệt mài với công việc
“Dệt chiếu cũng cần có bí quyết, tay nghề riêng. Mấy năm trước làng dệt này cực lắm, lao động không sống được bằng nghề. Nhưng gần đây nhờ gắn với du lịch nên du khách trong và ngoài nước ồ ạt kéo đến xem người ta dệt chiếu như thế nào. Dệt phượng, rồng ở giữa chiếu, dệt chiếu để chiếu luôn mát, thoáng… nên người dệt cũng hứng thú với nghề hơn.Vào những ngày xuân, thợ dệt tất bật từ sáng sớm đến chiều tối” – thợ dệt chiếu Nguyễn Thị Thanh tâm sự.
Đến thăm làng nghề đầu xuân, khách cũng có thể mua chiếu lớn để trải, mua chiếu nhỏ, chiếu vuông để lót ghế.
Vượt khó giữ nghề
Dù còn nhiều gian nan nhưng để giữ được “nghề xưa” cha ông để lại, những người thợ, nghệ nhân ở các làng nghề ở Khánh Hòa vẫn vượt qua gian khổ để giữ nghề. Vừa tạo thêm nhiều sản phẩm mới, vừa thuyết phục thêm nhiều em theo nghề.
Nghệ nhân Biển Cừ (làng đúc đồng Phú Lộc Tây 1) tâm sự: Trước đây, sản phẩm làm ra đơn giản. Nhưng hiện nay người ta làm được nhiều sản phẩm mới như: trống đồng trang trí, hộp đựng trái cây… Hiện làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 còn hơn 40 gia đình giữ nghề truyền thống của cha ông.
Nghề làm gốm thủ công cũng rất được khách hàng yêu thích
Niềm vui đến với làng nghề này khi đến cuối năm 2022, có gần 10 bạn trẻ đăng ký học nghề, làm những sản phẩm khó nhất từ những nghệ nhân giàu kinh nghiệm.
Nằm ven TP Nha Trang (Khánh Hòa), những ngày cuối năm, làng gốm Lư Cấm cũng chạy đua với thời gian để làm nên những sản phẩm độc đáo. Một số nghệ nhân lành nghề của làng cũng đến Làng nghề Trường Sơn để thực hiện các công đoạn làm gốm.
Các nghệ nhân cũng sẵn sàng hướng dẫn tỉ mỉ cho khách cách bày trí hợp phong thủy, tư vấn cách làm các sản phẩm gốm sứ cho ngôi nhà thêm lộng lẫy. Một số nghệ nhân cho biết, vào dịp Tết hay lễ, chọn hình thức du lịch làng nghề là lựa chọn số một của các đoàn khách. Có người sau một chuyến đi mở mang được nhiều kiến thức, mua được nhiều sản phẩm ưng ý.